Những cuộc tấn công của thế lực bên ngoài Thời_kỳ_Bắc_thuộc_lần_thứ_ba

Sailendra và các cuộc tấn công đường biển vào An Nam - Champa

Ngoài các loại thuế, từ cuối thế kỷ 8, người Việt còn bị thiên tai (hạn, lụt) trong nhiều năm và những cuộc xâm lấn, cướp phá của các nước lân bang như Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chà Và (vương quốc Sailendra hoặc Srivijaya hình thành trên đảo Java)... Quân tướng nhà Đường nhiều lần bất lực không chống lại được những cuộc tấn công đó khiến người bản địa bị sát hại đến hàng chục vạn.

Các thế lực Java

Một tấm bia ở tháp Po Nagar ghi lại sự kiện Champa bị một thế lực từ Java tấn công bằng đường biển.

Giao Châu khi đó nằm dưới sự đô hộ của nhà Đường cũng bị thế lực này tấn công. Sách sử cũ gọi thế lực này là giặc biển Chà Và, Côn Lôn; dựa vào đó mà đời sau suy ra là Java. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi phải cầu cứu Đô úy Vũ Định là Cao Chính Bình. Tại địa điểm Chu Diên (ngày nay gần Hà Nội), quân Đường đã đánh bại quân Java dẫn tới họ phải rút lui theo đường biển. Sau đó Trương Bá Nghi đắp lại thành Đại La[4].

Thế lực từ Java này có thể là Srivijaya hoặc Sailendra. Vào cuối thế kỷ 8, Srivijaya vốn đặt trung tâm ở Đông Nam Sumatra đã dời đô đến Trung Java, dựa vào sự đồng minh-hôn nhân-thương mại chặt chẽ với Sailendra. Sự nổi lên của Champa với tư cách là một quốc gia thương mại hàng hải đã làm tổn thương Srivijaya và dẫn đến sự tấn công của Srivijaya vào Champa và cả Giao Châu.

Nam Chiếu

Năm 737, Nam Chiếu - một quốc gia của người Bạch và người Di ở vùng Vân Nam ngày nay - thành lập. Đến khoảng thời Đường Huyền Tông, Nam Chiếu mạnh lên chống lại nhà Đường, tấn công Thổ Phồn, Tây Tạng và Giao Châu.

Năm 832, Nam Chiếu tiến đánh chiếm được châu Kim Long, ít lâu bị quân Đường đánh bại phải rút lui. Năm 846, quân Nam Chiếu lại vào đánh, bị tướng Bùi Nguyên Dụ đánh đuổi.

Miền Lâm Tây thuộc An Nam đô hộ phủ, nhà Đường đặt quân "phòng đông" để chống Nam Chiếu, có 7000 người quanh 7 động thuộc vùng do tù trưởng địa phương là Lý Đo Độc quản lý để tương trợ nhau. Tướng nhà Đường ở Tống Bình là Lý Trác bớt quân phòng đông, giao hết việc phòng Nam Chiếu cho Lý Đo Độc. Đo Độc cô thế không quản lý được. Tiết độ sứ của Nam Chiếu ở Giả Đông (Côn Minh, Vân Nam) tìm cách mua chuộc và gả cháu gái cho Lý Đo Độc. Từ đó Đo Độc thần phục Nam Chiếu.

Năm 859, cả Đường Tuyên Tông và vua Nam Chiếu là Phong Hựu cùng chết, quan hệ Đường - Nam Chiếu vốn tạm hòa hoãn đã đổ vỡ. Năm 860, vua Nam Chiếu mới là Đoàn Thế Long sai Đoàn Tù Thiên mang 3 vạn quân tiến vào cướp phá An Nam. Năm 862, Vương Khoan sang thay Lý Hộ làm Kinh lược sứ, quân Nam Chiếu lại vào đánh. Vương Khoan không chống nổi. Nhà Đường phải cử Sái Tập sang thay. Sái Tập huy động 3 vạn quân đẩy lui được Nam Chiếu.

Năm 863, Đoàn Tù Thiên lại tiến vào An Nam, đánh bại quân Đường. Sái Tập bị giết. Quân Nam Chiếu chiếm đóng và cướp phá, giết hại tới 15 vạn người Việt[5]. Sau đó vua Nam Chiếu sai Đoàn Tù Thiên ở lại Giao Châu làm Tiết độ sứ. Nhà Đường phải di chuyển Phủ Đô hộ An Nam đến Hải Môn.

Năm 864, nhà Đường sai Cao Biền làm An Nam đô hộ Kinh lược Chiêu thảo sứ sang đánh Nam Chiếu. Năm 865, Cao Biền tiến đến Nam Định, nhân lúc quân Nam Chiếu đang gặt lúa, bất ngờ đánh úp, phá tan quân Nam Chiếu. Tới năm 867, Cao Biền đánh bại hoàn toàn người Nam Chiếu tại An Nam, chiếm lại thành Tống Bình, giết chết Đoàn Tù Thiên, chém hơn 3 vạn quân Nam Chiếu[5]. Từ đó sự xâm lấn của Nam Chiếu mới chấm dứt.

Hoàn Vương

Hoàn Vương vốn là tên mới của nước Lâm Ấp trước đây (đổi từ đầu thời Đường). Sau nhiều năm thần phục nhà Đường, từ năm 803, Hoàn Vương thấy nhà Đường suy yếu bèn mang quân ra bắc. Quân Hoàn Vương vây hãm hai châu Hoan, Ái, tàn phá vùng này. Quan sát sứ nhà Đường là Bùi Thái không chống nổi, bị thua nặng. Vua Hoàn Vương chiếm được Hoan châu và Ái châu, đặt chức Thống sứ cai quản[4].

Năm 808, Trương Chu được điều sang làm Kinh lược sứ. Sau khi củng cố lực lượng và thành Tống Bình, năm 809, Trương Chu tiến vào nam đánh quân Hoàn Vương. Quân Đường thắng lớn, giết chết 2 Thống sứ của Hoàn Vương, giết 3 vạn quân địch, chiếm lại 2 châu Ái, Hoan. Có 59 vương tử Hoàn Vương bị bắt làm tù binh. Từ đó Hoàn Vương phải từ bỏ việc đánh An Nam.